Bánh cuốn là món ăn được bán trên khắp cả nước. Nhưng chỉ ở Thanh Trì (Hà Nội), bánh cuốn mới trở thành đặc sản “bình dân” cho cả người giàu và người nghèo. Theo đó, món bánh cuốn Thanh Trì lâu nay được coi là một trong vài thứ đặc sản hàng đầu của người dân Hà Thành. Đây chính là món ăn dân dã mà rất đỗi tinh tế này đã góp phần tạo nên nét đặc biệt cho ẩm thực Tràng An. Vậy món bánh cuốn Thanh Trì có gì mà nhiều người nhớ đến như vậy? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu món bánh cuốn đặc sản của người dân Hà Thành nhé!
Nét đặc trưng của bánh cuốn Thanh Trì
Bánh cuốn Thanh Trì là một món quà thực sự của người Hà Nội dành cho du khách trong nước và thế giới. Những lá bánh cuốn trong, mềm dẻo, điểm thêm vài lát hành khô, ăn với giò heo béo ngậy hoặc đậu rán nóng hổi đem lại cảm giác thơm ngon cho món ăn đặc trưng này.
Theo kinh nghiệm của những người làm bánh cuốn truyền thống này. Để có được một món bánh cuốn thơm ngon; người làm bánh phải lựa chọn gạo cẩn thận. Đây là loại gạo tẻ ngon; được ngâm trong vòng 3 tiếng. Sau đó gạo được rửa sạch và xay nhuyễn thành bột nước. Bột nước trong trẻo mới tạo lên lá bánh cuốn láng bóng, óng ả. Nếu bột nước quá đặc hoặc quá mỏng thì sẽ khó có được món bánh cuốn như ý.
Thường thì xế chiều, người dân Thanh Trì đã nổi lửa tráng bánh. Sở dĩ bánh cuốn tráng từ chiều bởi bánh tráng xong phải để qua đêm thì mới bay đi hết mùi nồng của bột. Đến sáng bánh vừa mềm, vừa thơm mát mùi gạo…
Hương vị của bánh cuốn Thanh Trì
Bánh cuốn Thanh Trì là thức quà dân dã của người Hà thành khi xưa và vẫn rất được ưa chuộng hiện nay. Bánh có màu trắng trong, mỏng như tờ giấy lụa.
Không giống như những nơi làm bánh cuốn khác thường có thịt, mộc nhĩ, bánh cuốn Thanh Trì truyền thống không có nhân. Lá bánh mỏng manh thường được phết một lớp mỡ hành (loại hành ta tươi đem phi thơm). Hương thơm mỡ hành quyện vào miếng bánh tráng nóng hổi thơm nức, rất kích thích khứu giác, vị giác của người thưởng thức.
Bánh cuốn Thanh Trì khi ăn dẻo dai mà không bị nát. Vị ngọt bùi của gạo tẻ ngon quyện với hương thơm mỡ hành chấm một chút nước mắm pha chế khéo léo thực sự là một hương vị khó quên. Nói về cảm giác ăn bánh cuốn Thanh Trì, trong món “Miếng ngon Hà Nội” nhà văn Vũ Bằng đã miêu tả: Bánh cuốn Thanh Trì đưa lên miệng, chưa nhai đã tưởng như bánh “chưa đến môi đã trôi đến cổ mất rồi”.
Cách làm bánh cuốn Thanh Trì
Theo nhiều gia đình làm bánh cuốn Thanh Trì gia truyền, bánh cuốn Thanh Trì sở dĩ thành đặc sản. Đó là do người Thanh Trì có bí quyết riêng. Bánh thường được làm từ loại thóc cũ; loại thóc gặt từ mùa trước, hạt gạo ít nhựa.
Để bột bánh mịn và không chua, người làm bánh thường đem ngâm gạo trong khoảng 3 giờ. Sau đó mới đem đi xay bột. Bột xay xong tiếp tục được ngâm với nước sạch từ 2-3 giờ nữa. Lúc bột lắng lại, chắt bỏ nước cũ, pha thêm nước sạch. Thêm một chút bột năng và muối ăn theo tỷ lệ nhất định. Sao cho bột không quá loãng cũng không quá đặc, để bánh có độ dẻo, dai.
Sau khi xong công đoạn pha bột, để có bánh ngon kĩ thuật tráng bánh cũng phải khéo léo. Người tráng bánh phải tráng đều tay. Khi tráng, người thợ múc một muôi bột nhỏ láng lên mảnh vải trắng phủ trên nồi nước sôi nóng. Tiếp đó, đậy vung khoảng 2 phút để bột bánh chuyển màu trắng trong. Sau đó dùng một thanh tre nhỏ lấy bánh lên trải ra bàn; cắt làm đôi rồi nhanh chóng cuộn lại.
Nước chấm-bí quyết của bánh cuốn Thanh Trì
Nước chấm được pha theo cách đặc biệt chính là bí quyết cuối cùng tạo nên món bánh cuốn Thanh Trì thơm ngon tròn vị. Nước chấm bánh cuốn Thanh Trì phải có màu hổ phách. Bát nước chấm phải là sự cân bằng giữa vị mặn của nước mắm và vị ngọt của đường, một chút chua nhẹ, hơi cay cay của ớt và đặc biệt có mùi cà cuống đặc trưng. Miếng bánh cuốn mềm mịn, dẻo dẻo, thơm thơm hòa quyện với nước mắm được pha tinh tế tạo nên món bánh cuốn Thanh Trì truyền thống được nhiều người nhớ thương.
Ngày nay, bên cạnh bánh cuốn truyền thống, người làm bánh ở Thanh Trì cũng làm thêm nhiều loại bánh cuốn khác như bánh cuốn nhân thịt, nhân tôm, ăn kèm cùng giò chả nhưng bánh cuốn Thanh Trì truyền thống với cách thưởng thức truyền thống vẫn được lòng nhiều người hơn cả. Ở Thanh Trì hiện nay có khoảng 80 hộ làm bánh. Mỗi ngày cung cấp khoảng 120 tạ bánh cuốn cho Hà Nội và các vùng lân cận.
Có bí quyết riêng trong tỷ lệ pha bột, cách tráng, chăm chút từ nguyên liệu đến tỉ mỉ trong từng công đoạn tráng bánh, bánh cuốn Thanh Trì thơm ngon nâng tầm đặc sản. Bánh cuốn Thanh Trì thức quà dân dã của người Hà thành khi xưa vẫn sống trong thời đại ngày nay và được nhiều người yêu thích.