Miền Tây là quê hương của nhiều món ăn đường phố nổi tiếng ở khắp cả nước hiện nay. Với đặc trưng sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nguồn thủy sản dồi dào là nguyên do tại miền Tây có rất nhiều các món ăn có nguyên liệu từ thủy sản. Và nếu bạn đã một lần thử qua các món ăn đường phố này thì có lẽ sẽ không bao giờ có thể quên được vị ngon khó cưỡng của nó. Điển hình là món bánh cống đặc sản của tỉnh Sóc Trăng – nơi có nhiều loại bánh của người Khmer được du khách vô cùng yêu thích. Nếu bạn chưa có cơ hội nếm thử bánh cống thì cũng đừng quá sốt ruột nhé. Bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn món bánh cống trứ danh này, để có cơ hội thì thưởng thức nhé.
Đặc sản bánh cống Sóc Trăng
Sóc Trăng không chỉ là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nhiều thắng cảnh và các ngôi chùa đẹp như chợ nổi Ngã Năm, vườn cò Tân Long, chùa Som Rong Sóc Trăng, chùa Dơi, chùa Chén Kiểu,… mà còn có nền ẩm thực cuốn hút. Những đặc sản nổi tiếng như vú sữa tím Đại Tâm, Bưởi năm roi Kế Thành, cá bống sao Cù Lao Dung, hủ tiếu cà ri Vĩnh Châu, cháo cá lóc rau đắng, khô trâu Thạnh Trị, lạp xưởng Vũng Thơm và không thể không nhắc đến món bánh có cái tên vô cùng đặc biệt: bánh cống.
Sóc Trăng không chỉ nổi tiếng với đặc sản bánh pía lừng danh cả nước mà còn có rất nhiều món ăn ngon nổi tiếng khác khiến thực khách phải khen nức nở. Trong số những món ngon đó phải kể đến món “bánh cống” nổi tiếng của Sóc Trăng và đây cũng là món ăn truyền thống của người Khmer. Bánh cống Sóc Trăng có mùi thơm nức mũi, cái giòn giòn hòa với vị beo béo, bùi bùi của đậu xanh, tôm, thịt khiến cho người ăn có cảm giác ngon ngay trên đầu lưỡi. Ở Sóc Trăng, bánh cống là món ăn quen thuộc nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến bánh cống ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Nguyên liệu làm bánh cống dân dã và gần gũi
Nguyên liệu làm ra chiếc bánh cống bao gồm bột gạo, đậu nành, đậu xanh, tôm, thịt heo, hành tím cùng các loại gia vị. Dụng cụ đặc biệt cần có là cái cống để chiên bánh. Các bước thực hiện cũng vô cùng đơn giản.
Đậu nành đãi sạch vỏ, xay nhuyễn, trộn với bột gạo để làm bột chiên bánh. Đậu xanh ngâm trong nước khoảng một đêm, không đãi vỏ, sau đó nấu mềm. Chú ý không nên nấu đậu xanh quá nhừ sẽ làm hạt đậu bị nát, không ngon.
Thịt heo băm nhuyễn, xào nhanh trên bếp. Theo kinh nghiệm của những người làm bánh thì thịt heo xào nên trộn thêm một ít hành tím băm; mùi thơm của hành sẽ hòa quyện vào chiếc bánh sau khi chiên; khiến bánh có mùi vị thơm ngon đặc trưng.
Làm ra bánh cống không hề đơn giản
Để làm bánh cóng Sóc Trăng, người ta thường dùng một loại khuôn làm bằng nhôm. Hình tròn, đáy bằng, đường kính chừng 5cm, cao khoảng 4cm. Có tay cầm dài 30cm. Loại dụng cụ này dân địa phương gọi là “cóng”; có lẽ vì thế mà bánh cũng có tên là “bánh cóng” hoặc “bánh cống”. Cách chế biến bánh cóng khá cầu kì. Từ khâu pha bột, kĩ thuật chiên bánh cho đến nghệ thuật pha nước chấm. Nhưng bù lại sẽ cho những chiếc bánh cóng chiên vàng, ăn giòn tan, thơm ngậy mùi mỡ và ngọt lừ vị tôm tươi.
Cho nguyên liệu vào cống theo thứ tự lần lượt: hỗn hợp bột, đậu xanh, thịt xào. Thêm lớp bột nữa và cuối cùng là phủ một, hai con tôm lên mặt. Nhúng chiếc cóng vào chảo dầu đang sôi. Chừng 2-3 phút, bánh chín và tự tuột ra khỏi cóng. Tất cả hương vị, màu sắc của chiếc bánh cóng hòa quyện vào nhau. Và nó tạo thành món ăn đặc sản truyền thống lừng danh đất Sóc Trăng.
Tổng kết
Bánh cóng ăn kèm với các loại rau sống và nước mắm. Bạn có thể cầm nguyên cái to hoặc chia bánh thành từng miếng nhỏ cho dễ ăn. Cách ăn này cũng tựa tựa cách ăn bánh xèo vậy. Cho miếng bánh vào lớp rau, cuốn lại, chấm nước mắm, cái vị giòn giòn, béo béo, bùi bùi sẽ khiến bạn ăn một lần nhớ mãi không thôi.