Ấn Độ vốn được xem là đất nước cuồng vàng của thế giới. Chỉ cần xem qua những bộ phim Bollyhood, chúng ta cũng đủ thấy vàng có ý nghĩa thế nào trong cuộc sống của người dân nơi đây. Người ta sử dụng vàng để làm trang sức hay trang trí nhà cửa. Thế nhưng, dùng vàng để chế biến các món ăn hay trang trí đồ uống thì sao? Ở Ấn Độ, điều này là hoàn toàn có thật. Mới đây, một nhà hàng tại Mumbai đã cho ra mắt chiếc burger phủ vàng lá mang tên Louis Grand Royale, thu hút nhiều thực khách đến thưởng thức.
Trên thực tế, việc sử dụng vàng bạc trong ẩm thực ở Ấn Độ đã không còn mới lạ. Không chỉ trong các món ăn, người ta còn dùng vàng để làm các món nước uống hay tráng miệng. Điều này thể hiện sự sang trọng và xa xỉ cho các món ăn. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng không hề tăng thêm hương vị cho đồ ăn thức uống.
Chiếc burger bọc vàng lá hút khách ở Mumbai
Chiếc burger bọc vàng lá của một nhà hàng ở Mumbai đang trở thành món ăn mới hút khách. Chúng có giá từ 9,25 đến 12 USD. Louis Burger có tham vọng mở nhiều chi nhánh và bán món ăn mới của họ trên toàn Ấn Độ. Hiện tại, đây là nhà hàng đầu tiên ở Mumbai bán burger phủ vàng lá. Ngoài các món burger trước đây, họ sáng tạo và mở bán burger phủ vàng với số lượng có hạn từ mùa hè năm nay và được nhiều thực khách tìm mua.

Chiếc burger có tên Louis Grand Royale có hai phần thịt kẹp, nấm truffle, nấm hải sản và phomat cheddar Anh kẹp giữa. Hai lớp bánh mì có phủ loại vàng lá có thể ăn được. Mỗi chiếc burger như vậy có giá 9,25 USD. Nhà hàng còn ra mắt loại burger phủ vàng phiên bản chay là Truffle Take Burger. Món ăn này có thêm nấm shiitake, sốt mayo và dầu từ nấm truffle, phomat Parmesan.. Giá bán của chúng là 11,85 USD mỗi chiếc.
Ấn Độ- quốc gia cuồng vàng của thế giới
Ấn Độ vốn nổi tiếng là nơi cuồng vàng. Họ cũng là quốc gia mua vàng nhiều thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Người Ấn Độ mua 315,9 tấn vàng để làm trang sức trong năm đại dịch 2020.
Ngoài làm trang sức, đất nước Nam Á này còn sử dụng vàng trong các món ăn. Nguyên liệu sử dụng là bột vàng, vàng lá hoặc cả vàng 24 carat. Từ thế kỷ 17 vào thời đại Mughal, nhiều đầu bếp đã dùng vàng hoặc bạc lá để trang trí món ăn. Điều này nhằm tạo ấn tượng với các bậc thầy cũng như thực khách của họ trong những bữa tiệc lớn.
Không chỉ kết hợp trong các món ăn, vàng còn xuất hiện ở đồ uống như nước hoa quả. Ví dụ như sherbet, thandai. Chúng cũng xuất hiện trong các món tráng miệng. Ví dụ như bánh rán jalebi, phirni và kẹo mềm barfi. Đến cả cà ri thịt béo ngậy, phomat paneer hay cơm trộn biryanis truyền thống cũng được rắc thêm vàng. Vào mùa lễ hội, đặc biệt là Diwali, một sự kiện văn hóa lớn của người Hindu, các cửa hàng bày bán hàng loạt quà cáp, hoa quả bọc vàng, bạc lá.
Vàng lá- nguyên liệu thực phẩm đắt đỏ nhất thế giới
Vàng lá ăn được là nguyên liệu thực phẩm đắt đỏ nhất thế giới. Giá của chúng vào khoảng 15.000 USD cho mỗi 500g. Tuy nhiên, nhiều thực khách sành ăn vẫn bỏ hầu bao để thưởng thức ở các nhà hàng cao cấp.
Du khách đến Delhi sẽ nghe tên khách sạn 5 sao Taj Mahal. Tại đây, có một nhà hàng Varq nổi tiếng là nơi đón các thực khách VIP. Ví dụ như chính trị gia, ngôi sao Bollywood. Vàng lá được dát lên trần, mặt trước các đồ nội thất, tường và cả gạch lát sàn trong nhà hàng. Trong thực đơn cũng có nhiều món phủ vàng, bạc lá ăn được giá trung bình 13 USD/món.

Pradipt Sinha là giám đốc bộ phận cung cấp dịch vụ ăn uống của khách sạn Crowne Plaza tại New Delhi. Ông cho biết. “Vàng và bạc lá là một phần không thể thiếu trong văn hóa và di sản ẩm thực của Ấn Độ nhiều thế kỷ qua. Chúng đóng vai trò quan trọng trong các món ăn thời kỳ Mughlai, Awadhi”.
Vàng lá không tăng thêm hương vị cho chiếc burger
Tuy nhiên, trong khi nhiều người Ấn Độ cuồng vàng thì một số khác lại không mấy ấn tượng với các món ăn phủ vàng lá. Prateek Mehra, kỹ sư phần mềm ở Mumbai, nhận xét. “Tôi đã ăn bánh ở Louis Burger để xem vì sao nó gây sốt đến thế. Nhưng vàng lá không tăng thêm hương vị gì cho món ăn. Chiếc bánh đó giống hàng trăm chiếc khác mà tôi từng ăn với giá rẻ hơn nhiều”.