Thực khách đến Bắc Hà (Lào Cai) thì ai cũng muốn thưởng thức những món ăn dân dã, đặc trưng, ngon, lạ miệng ở những con ngõ nhỏ ven hồ Na Cồ hay trong khu chợ đông đúc. Chắc chắn mỗi khi đến Bắc Hà (Lào Cai) thì thói quen khó bỏ qua đầu tiên đó là phải thưởng thức một tô phở hồng trộn thịt xá xíu, dưa cải chua … cho thỏa lòng. Trong không khí se lạnh của Lào Cai mà thưởng thức tô phở Bắc Hà với sợi phở màu hồng tím đặc trưng và những gia giảm gia vị đặc biệt thực sự khiến người ta khó quên.
Tại sao lại gọi là phở hồng?
Gọi là phở hồng vì bánh phở được làm từ hạt gạo nương hồng. Đây là một thứ gạo đặc sản bản địa ở vùng đất này. Gạo nương hồng chỉ trồng được một vụ trên nương cao; nơi có khí hậu lạnh gần như quanh năm. Cũng vì thế mà thời gian canh tác cũng dài ngày hơn các giống lúa khác. Mà cũng chỉ có gạo nương hồng trồng trên nương ở xứ này mới làm nên món phở hồng hấp dẫn nhiều người đến vậy.
Bánh phở được làm từ nguyên liệu gạo nương hồng nên khi tráng có màu hồng. Chưa nói đến thịt làm xá xíu cũng được lựa từ thịt lợn đen bản địa; dưa cải trồng trên nương muối vừa độ chua. Bát phở trộn có thêm lạc rang giã nhỏ, rau xà lách thái nhỏ và nước dùng.
Cách thưởng thức phở hồng
Khi ăn, khách có thể ăn kèm với rau húng ruộng đặc trưng ở vùng cao. Cũng có thể nêm thêm đậu xị và tương ớt. Lạc dùng để trộn phở cũng là giống lạc đỏ người dân vùng cao Bắc Hà trồng trên nương. Đậu xị và tương ớt cùng đều là giống đậu tương vàng Bắc Hà và giống ớt sừng trồng ở Bắc Hà. Cách làm đậu xị và tương ớt cũng theo truyền thống của người dân Bắc Hà… Cũng có người chọn cách ăn phở cuốn. Đó là khi bánh phở vừa được tráng xong, cuộn tròn cả bánh với lạc giã nhỏ. Sau đó cắt thành từng khúc và chấm với nước dùng ăn kèm xá xíu; đậu xị, rau thơm tùy ý.
Cùng với món thắng cố, canh đậu, mèm mèn, phở ngô, thì bát phở hồng đã làm nên thanh vị đặc sắc của chợ phiên Bắc Hà – phiên chợ được tạp chí du lịch Châu Á bình chọn trong danh sách 10 phiên chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
Một số món ngon ở Bắc Hà
Bánh chưng đen
Ai có dịp lên thăm vùng đất cao nguyên trắng Bắc Hà hẳn sẽ không thể quên được hương vị bánh chưng đen của đồng bào Tày nơi đây. Nhìn bề ngoài, bánh chưng đen cũng gói bằng lá dong xanh nhưng không có hình vuông. Mà trưng đen của người Tày Bắc Hà lại được gói hình gù tròn dài nhìn giống bánh gù dân tộc Giáy. Nguyên liệu làm bánh cũng có nhiều thứ khá đặc biệt mang hương vị vùng cao. Đó là lúa nếp nương, thảo quả, thịt lợn đen, đỗ xanh. Đặc biệt là màu đen của bánh được tạo ra từ than gỗ của cây lúc lác trên rừng.
Than núc nác sau khi giã nhỏ, sàng sảy nhiều lần cho thật mịn. Người gói bánh sẽ mang bột than trộn lẫn với gạo để tạo mầu đen là được. Để làm gia vị cho nhân bánh chưng đen thì không thiếu quả thảo quả. Thảo quả được nướng hoặc rang lên cả vỏ. Hạt giã nhỏ sàng lấy bột mịn trộn với thịt ba chỉ làm nhân bánh với một lượng vừa đủ để tạo mùi thơm đặc trưng cho bánh.
Xôi ngũ sắc ( xồi màu từ lá cây)
Người ta nói rằng; khi tới với Bắc Hà thì món ăn không nên bỏ qua đó là món xôi ngũ sắc. Thứ xôi kỳ lạ không chỉ dẻo, thơm mà màu sắc cũng rất bắt mắt. Món ăn có năm màu chủ đạo: Xanh, đỏ, tím, vàng, trắng – là màu của các loại lá rừng, đặc sản chỉ vùng cao mới trồng.
Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm có gạo nếp thơm dẻo được trồng ở Bắc Hà, là loại hạt gạo to tròn không lẫn chút gạo tẻ. Gạo nếp sau khi vo xong tiến hành ngâm trong nước lã từ 6 – 8 giờ, tiếp đó, gạo nếp được chia thành 5 phần đều nhau để nhuộm màu nước lá tím, xanh, đỏ, vàng, phần mầu trắng để gạo. Thông thường, người dân ở đây sẽ dùng quả gấc hoặc lá cơm đỏ để tạo màu đỏ gạch cho gạo nếp. Màu xanh dùng lá gừng, lá giềng, màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước còn màu tím sẽ dùng lá mầu tím rất thơm và nhiều vị thuốc trong đó.