Âm nhạc là phương thức tuyệt vời để nuôi dưỡng đời sống tinh thần của con người, và ca trù như một chất liệu sắc nét nhất ghi dấu ấn trong tâm hồn của bao thế hệ người Việt Nam. Từ một thể loại hát nói truyền thống độc đáo và tao nhã, ca trù ngày nay đã trở thành một di sản văn hóa đáng tự hào của Việt Nam và thế giới. Ca trù đã được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Sau hơn 10 năm được ghi danh, Việt Nam vẫn đang nỗ lực hồi sinh loại hình nghệ thuật này.
Quá trình phát triển của ca trù
Ca trù là một thể loại ca nhạc dân gian thịnh hành vào khoảng thế kỷ XV. Ca trù còn được gọi là hát ả đào, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò hay hát ca công. Ca trù được bắt nguồn từ dân ca, dân nhạc cùng một số trò diễn và múa dân gian. Chính vì vậy, ca trù là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp với nét độc đáo. Là sự phối hợp đa dạng, tinh tế, nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc, đôi khi có cả múa. Trải qua quá trình phát triển thăng trầm cùng với những biến cố của lịch sử; cho tới nay, ca trù đã đạt đến trình độ thẩm mỹ cao.
Xuất hiện sơ khai vào đầu thế kỷ XI, bắt đầu thịnh hành trong nước từ thế kỷ XV. Nhưng đến nửa cuối thế kỷ XX, ca trù mới được thế giới biết đến lần đầu tiên. Qua tiếng hát của nghệ nhân Quách Thị Hồ (1909 – 2001). Ca trù thu hút sự chú ý và dần dần được tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu tại nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới.
Loại hình dân ca gồm nhiều quy luật phức tạp
Hát ca trù có 5 không gian trình diễn chính. Hát cửa đình (hát thờ), hát cửa quyền (hát cung đình hay hát chúc hỗ), hát tại gia (hát nhà tơ), hát thi và hát ca quán (hát chơi). Tham gia biểu diễn ca trù có ít nhất 3 người. Một nữ ca sĩ gọi là “đào nương” hay “ca nương”. Hát theo lối nói và gõ phách lấy nhịp. Một nam nhạc công gọi là “kép” đệm đàn đáy cho người hát. Một người điểm trống chầu gọi là “quan viên”. Để trở thành một ca nương được mọi người công nhận; người nghệ sỹ phải trải qua quá trình học hỏi, luyện tập, trau dồi. Và vượt qua rất nhiều thử thách.
Nhiều người cho rằng hát ca trù là hát thơ với một hệ bài bản phong luật quy định cho từng lối hát. Lời lẽ, ca từ của ca trù mang tính uyên bác. Ít lời mà nhiều nghĩa, giàu chất thơ, mang nhiều cảm xúc, trầm ngâm, sâu lắng. Kỹ thuật hát rất tinh tế, công phu. Đòi hỏi phải nắn nót, chau chuốt từng chữ. Ca trù có nhiều điệu hát, thể hát sử dụng các thể thơ quen thuộc và thuần Việt. Đặc biệt, thể hát nói (thơ 8 chữ) là thể thơ dành riêng cho ca trù. Hát nói là một sáng tạo độc đáo của ca trù. Bởi trong các làn điệu dân nhạc Việt Nam, chỉ có ca trù mới hình thành nên thể thơ này.
Sự đa dạng của nghệ thuật hát ca trù
Trong hát nói, các yếu tố khuôn khổ, câu kết thúc, cách tổ chức vần điệu được quy định rất chặt chẽ. Một bài hát nói không phụ thuộc vào bài nhạc nhất định. Nghệ nhân hát nói, khi biểu diễn, hoàn toàn chịu sự chi phối của lời thơ. Cùng với thơ, múa cũng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên nét đặc sắc, riêng biệt của nghệ thuật hát ca trù.
Có nhiều điệu múa được sử dụng trong ca trù như: múa Bài Bông (thường được biểu diễn trong hát cửa đình), múa Đại Thạch (thường được biểu diễn trong hát thờ và hát thi), múa Bỏ Bộ và múa Tứ Linh (chỉ có trong hát thờ)… Với giá trị văn hóa sâu sắc, ngày 1/10/2009, ca trù của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.