Đắk Lắk nằm ở khu vực trung tâm của mảnh đất Tây Nguyên. Đây vốn là nơi luôn diễn ra nhiều lễ hội độc đáo ở nhiều thời điểm khác nhau trong năm. Các lễ hội truyền thống tại Đắk Lắk chủ yếu là của đồng bào dân tộc thiểu số, rất được các du khách phương xa quan tâm và mong muốn tìm hiểu. Nếu như bạn đang có ý định ghé thăm mảnh đất này, hãy tham khảo ngay danh sách những lễ hội nổi tiếng tại Đắk Lắk mà chúng tôi trình bày ở bài viết sau nhé.
Lễ nghi nông nghiệp cúng lúa trổ bông của người Ê Đê
Nhóm lễ nghi nông nghiệp này đã phản ánh nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ê đê ở huyện Krông Bông. Với người dân nơi đây, việc tổ chức lễ hội cúng lúa sắp trổ để thể hiện lòng biết ơn với thần linh. Họ mong muốn các thần linh sẽ phù hộ cho lúa trổ bông đều; dài đầy hạt và đạt năng suất cao.
Nghi lễ của lễ này cũng khá đơn giản. Lễ vật cúng gồm 4 ché rượu cần, 2 con gà. Trong đó có 1 con gà lông trắng và 2 con heo. Thời gian tiến hành lễ cúng kéo dài trong 2 giờ.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột
Cà phê là cây trồng chủ đạo của nền nông nghiệp Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Vì vậy người dân nơi đây tổ chức lễ hội cà phê nhằm tôn vinh loại cây trồng đã giúp đời sống của bà con Đắk Lắk trở nên khấm khá hơn.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột mang tầm vóc quốc gia. Ngày lễ được tổ chức 2 năm một lần tại thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là trung tâm văn hóa chính trị của tỉnh Đắk Lắk. Lễ hội chỉ mới bắt đầu vào năm 2005 nhưng đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu của người dân Tây Nguyên. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đã được các Bộ: Công Thương, Ngoại Giao, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm ủng hộ. Bên cạnh đó, mục đích của lễ hội nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc bảo tồn; phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên
Ngoài quảng bá, tôn vinh cà phê và các sản phẩm làm từ nó, lễ hội còn thu hút khách du lịch bởi những hoạt động thú vị mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Điển hình như: tổ chức diễn tấu cồng chiêng, đi cà kheo, lễ diễu hành của voi và những hoạt động thể thao khác,…
Lễ cưới cho voi của người dân M’nông
Với người dân tộc M’nông họ có tục lệ tổ chức lễ cưới cho voi. Đối với người dân M’nông, có lẽ vì trước đây voi con có sẵn trong rừng rất nhiều cho nên chỉ cần đi săn bắt về thuần dưỡng chứ họ không muốn cho voi đẻ. Khi voi đực và voi cái giao phối có bầu thì sẽ bị vi phạm luật. Do đó chúng phải kiêng cữ. Nếu chúng đã “lỡ” với nhau rồi thì chủ voi phải làm lễ cho voi. Phần nghi lễ như sau:
– Khi biết con voi cái của mình có thai, chủ voi mang một tô gạo, một cây đèn cầy và một cây kreo (dùi mốc) đến nhà voi đực trình bày. 2 bên thương lượng để thống nhất tiến hành “lễ cưới”.
– Sau khi thống nhất, chủ voi đực mang một lợn, một chóe rượu, một tô gạo, một cây đèn cầy và một cây kreo đến nhà chủ voi cái để xin cưới.
– Hai nhà sẽ mổ heo, lấy máu heo hòa vào rượu đầu phết vào bàn thờ (kuất), cột nhà và cửa ra vào, đá bếp. Họ sẽ báo cho tổ tiên ông bà, thần đá bếp. Sau đó họ sẽ mời thần đến uống rượu ăn thịt, phù hộ cho gia đình. Sau đó, hai chủ voi khấn vái, cầu chúc cho đôi voi và mọi người bình yên, hạnh phúc.
– Cuối cùng, chủ voi cái sẽ mang cơm nếp đến nhà chủ voi đực làm một lễ cúng khác. Lễ cưới này cho thấy cách cư xử và tình cảm của đồng bào cho con voi. Chúng chẳng khác nào một thành viên thực thụ của cộng đồng.
Phong tục cúng bến nước của đồng bào Ê Đê
Đây cũng là một trong những phong tục tập quán lâu đời nhất của đồng bào dân tộc Ê đê. Lễ cúng bến nước được tổ chức sau mùa thu hoạch hằng năm. Cũng như lễ cúng lúa sắp trổ bông thì nghi lễ này cũng mang mục đích cúng tạ thần nước đã đem lại những may mắn trong năm cũ và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nghi thức lễ cúng như sau:
– Đầu tiên thầy cúng sẽ là người chủ trì lễ cúng. Mâm đồ cúng là thịt lợn, gà và quan trọng nhất là một chậu tiết loãng.
– Thứ hai, thầy cúng sẽ đọc lời khấn cầu với mong muốn thần nước sẽ mang nước. Nước chính là nguồn sức sống quan trọng nhất đến cho buôn làng.
– Thứ ba, thủ tục cúng xong ở bến nước hoàn tất; người dân Ê đê gùi những bầu nước mát ngọt về nhà. Cũng trong thời gian đó, một nhóm người sẽ theo người chủ lễ đi đến cầu thang từng nhà. Họ hát cầu cúng và rưới tiết vào chân cầu thang để cầu may cho nhà chủ…
Cuối cùng, cả buôn làng lại quây quần bên nhau để ăn tiệc, uống rượu cần. Mọi người nhảy múa với âm vang rộn ràng của cồng chiêng Tây Nguyên. Lễ cúng bến nước diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng.
Kết luận
Đắk Lắk là một tỉnh có truyền thống văn hóa rất là đa dạng. Bởi đây là nơi sinh sống của rất nhiều dân tộc anh em, mỗi dân tộc họ lại mang đậm bản sắc riêng mà không phải ai cũng biết đến. Nếu lên đây đúng dịp, có thể du khách sẽ được tham dự những lễ hội độc đáo còn nguyên chất dân gian này.