Miền núi Hòa Bình nổi tiếng với phong cảnh hoang sơ kỳ vĩ và thơ mộng. Nếu phong cảnh yên bình và thư thái của Hòa Bình làm say đắm tâm hồn bạn thì ẩm thực nơi đây sẽ níu chân bạn khi có dip ghé thăm và thưởng thức những món ăn ngon. Những du khách đã từng đến thăm Hòa Bình đều không khỏi ngạc nhiên và ấn tượng sâu sắc trước hương vị đậm đà, hấp dẫn của những món ăn mang đậm nét miền Tây Bắc nơi đây. Ẩm thực Hòa Bình cũng có sự tương đồng với các địa phương thuộc vùng núi Tây Bắc, nhưng nơi đây vẫn mang những nét đặc trưng cùng sức hấp dẫn khó quên…
Cỗ lá mang nét văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng
Cỗ lá là đặc sản mang nét văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng đặc trưng của người Mường. Trên mâm cỗ lá không thể thiếu thịt lợn, gan, lòng lợn mán đã hấp, luộc, nướng. Các món ăn này đậm đà hương vị hơn khi được chấm cùng hỗn hợp muối, chanh, hạt dổi xứ Mường. Ngoài ra, còn có món “ngách lãi” được làm từ thịt mũi, tai, má lợn trộn với muối, gừng, riềng và óc lợn. Tất cả được bày biện khéo léo trên lá dong, lá chuối tươi đã hơ qua lửa để thực khách cảm nhận rõ hơn hương vị tươi ngon. Cỗ lá là món ăn không thể thiếu của người Mường trong các dịp ma chay, cưới hỏi, mừng nhà mới, Tết truyền thống…

Cơm lam ống nứa được làm từ gạo nếp nương
Nhắc đến đặc sản của Hòa Bình thì phải nhắc đến cơm lam ống nứa. Cơm lam được làm từ gạo nếp nương. Gạo được ngâm qua đêm trộn cùng cùi dừa thái sợi nhỏ rồi nhồi vào ống nứa. Sau đó hãy cho thêm chút nước cốt dừa, nén chặt rồi nướng trên bếp củi. Khi cơm chín, người ta tách ống nứa thành thanh cơm trắng ngần, thơm nức. Cơm chấm cùng muối vừng tạo nên vị ngọt, bùi.
Thịt trâu nấu lá lồm dùng để giải cảm, giải rượu
Để chế biến món này, trước tiên, người ta đem thui thịt trâu, cạo sạch. Sau đó ướp với tỏi băm nhuyễn, gia vị, hạt mắc khén và ninh cùng lá lồm, ớt thái nhỏ. Khi thịt nhừ, thực khách sẽ thưởng thức cùng cơm, bún; mỳ hoặc thả thêm chút gạo nếp tạo thành món cháo loãng có vị chua thanh hấp dẫn. Đây cũng là món được dùng để giải cảm, giải rượu.
Măng chua nấu gà thơm ngon
Măng chua nấu với gà được nuôi ở vùng Lạc Sơn. Đây là món ăn không thể bỏ qua khi đến Hòa Bình. Người ta thường chọn con gà vừa phải, sơ chế, chặt miếng, ướp cùng măng và các gia vị khác. Khi gia vị ngấm, người ta ninh trên bếp củi từ 1 – 2 tiếng. Ninh cho đến khi măng và gà nhừ mới thêm chút hạt dổi nướng.
Rau rừng đồ – một món ăn dân dã

Là món ăn dân dã nhưng không thể thiếu trong mâm cỗ lá hay các bữa ăn thông thường của người Mường ở Hòa Bình. Sau khi hái các loại rau rừng như tầm bóp, the hởi; rau má, rau beo, hoa chuối, hoa đu đủ đực… người ta rửa sạch và đồ trong 30 phút đến khi rau chín tới. Món này được dùng cùng thứ nước chấm độc đáo làm từ lòng và mỡ cá xào. Tạo nên hương vị béo ngậy mà vẫn giữ nguyên được vị đắng, chát, ngọt, bùi của rau rừng.
Thịt lợn muối chua mang hương vị của thiên nhiên
Không giống như các món thịt chua ở vùng miền khác; thịt lợn muối chua Hòa Bình mang trong mình hương vị của cả thiên nhiên nơi đây. Từng chiếc lá chuối rừng được làm sạch rồi hơ trên lửa. Lau hết lớp than củi trên lá xếp lót đáy bồ làm từ tre hay nứa rồi mới trải thịt lên, khi xếp thịt vào bồ bạn cần nhớ cứ mỗi lớp thịt là phải trải đan xen một lớp gạo rang và muối rang. Làm lần lượt như vậy cho đến khi thịt đầy bồ thì đậy nắp kín lại; cất bồ thịt ở trên gác bếp hoặc khu vực quanh bếp củi. Lưu ý, để thịt có được hương vị chua tự nhiên thì bạn không thể quên ướp thịt lợn với men lá rừng cùng gạo rang giã nhỏ.
Khi thưởng thức món ăn bạn nên ăn kèm cùng các loại lá rừng nơi đây để có thể cảm nhận trọn vẹn hương vị béo ngậy của miếng thịt lợn, chua chua men lá, ngọt thơm của gạo và chút đậm đà của muối. Bởi sự kết hợp khéo léo từ những nguyên liệu thiên nhiên rừng núi cho nên nếu nói món ăn này mang cả hương vị đất trời Hòa Bình thì cũng không quá phải không?