Các buôn làng của người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều có một ngôi nhà Gươl. Nơi đây là trung tâm trong cuộc sống của cả làng. Không gian nhà Gươl còn là nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như: lễ mừng lúa mới, lễ thề kết nghĩa anh em giữa hai làng Cơ Tu, các lễ hội mùa màng… Nhà Gươl là trung tâm sinh hoạt chung của cả buôn làng, là linh hồn trong văn hóa của người Cơ Tu. Người ta cho rằng làng nào không có nhà Gươl nghĩa là làng đó không có truyền thống văn hóa, không có cội nguồn.
Vai trò của nhà Gươl trong đời sống của đồng bào Cơ Tu
Nhà Gươl, công trình kiến trúc quan trọng in đậm dấu ấn văn hóa dân tộc Cơ Tu. Các tượng tròn, hoa văn trang trí, phù điêu, tranh vẽ hay nghệ thuật kiến trúc; phong tục tập quán lâu đời gắn kết với nhà Gươl. Cùng tạo nên giá trị của ngôi nhà chung của bản làng. Ở đó, người ta thấy rõ tài năng các nghệ nhân dân gian và những giá trị văn hóa đa chiều của người Cơ Tu. Theo phong tục từ xa xưa, người Cơ Tu khi lập làng, dựng nhà đều chọn đất. Nhà Gươl được dựng lên bằng công sức của mọi người trong làng. Với người Cơ Tu, nhà Gươl là chốn linh thiêng, nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên.
Cách người Cơ Tu trang trí ngôi nhà
Ở mỗi nhà Gươi, trên mái nhà, phía hai đầu hồi thường có những bức tượng đơn giản như gà trống, chim tring; hay tổ hợp gắn kết nhiều tượng với nhau. Như tượng người, tượng đầu trâu, tượng đôi chim tring đang giao phối. Chúng được bố trí đối xứng nhau. Những chi tiết kiến trúc, mỹ thuật mang lại vẻ đẹp cân đối, hài hòa cho ngôi nhà.
Trên những tấm lan can, vách ngăn quanh nhà Gươi là nơi các nghệ nhân dân gian Cơ Tu sáng tác các tác phẩm mỹ thuật; miêu tả hình tượng con người, thế giới thiên nhiên và cuộc sống xã hội. Chủ đề thường là cảnh sinh hoạt lễ hội, sản xuất, săn bắt; cuộc sống gắn bó với núi rừng, sông suối, thiên nhiên con người. Trên các cây cột con, xà ngang và xà dọc thường được chạm khắc các bức phù điêu đẹp mắt. Chạm khắc hình rồng, rắn, kỳ đà, tắc kè, ba ba, thỏ, cá cách điệu. Đặc biệt là cây cột cái nhà. Đây là một tâm điểm trang trí các tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, phù điêu hay hoa văn trang trí in đậm bản sắc người Cơ Tu.
Tạo hình độc đáo của ngôi nhà
Ngoài những bức phù điêu, tranh vẽ trong nhà Gươi; các nghệ nhân dân gian người Cơ Tu còn sáng tạo những bức tượng gỗ với nhiều chủ đề khác nhau. Như tượng chim tring, chim công, kỳ đà, tượng già làng uống rượu, cô gái múa, chàng trai nhảy hội, đánh chiêng, thổi kèn và sắp đặt trong ngôi nhà. Tượng gỗ có thể đặt ở chính diện nhà, hai bên cửa ra vào; hay đặt ở phía trên xà ngang, xà dọc của nhà Gươl.
Nghệ thuật tạo hình, các phong tục, tập quán lâu đời tại nhà Gươi đang là kho báu của các bản làng người Cơ Tu. Cùng tạo nên di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Cơ Tu. Đồng thời góp phần cho bức tranh văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thêm đa dạng và lung linh sắc màu.