Đường núi quanh co là một con đường hiểm trở nên người lái phải có một số kinh nghiệm điều khiển xe máy trên con đường núi quanh co nhất định để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Để lái xe an toàn trên đường núi quanh co liên tục đổ cua, xuống dốc thì người lái xe cần trang bị cho các kỹ năng cần thiết. Lái xe trên đường nú quanh co luôn mang lại cảm giác bay bổng và trải nghiệm thú vị, nhưng nếu không có những kỹ năng cần thiết thì sẽ trở nên nguy hiểm. Dưới đây là những kinh nghiệm mà chúng tôi muốn chia sẻ cho người lái xe khi đi đường núi để đảm bảo an toàn.
Kiểm tra xe trước chuyến đi để đảm bảo an toàn
Khâu này là khâu đầu tiên và quan trọng nhất để đảm bảo an toàn khi đi đường. Nó sẽ không làm tổn hại đến chiếc xe yêu quý của mình, các bạn ạ. Không đi xe ga (Attila, SCR, LX, SH, Lead…), vừa hại xe vừa nguy hiểm khi lên dốc xuống dốc. Hãy chọn những chiếc xe côn hoặc xe số máy còn khỏe. Tùy độ dốc mà về số thích hợp: 3, 2 hay thậm chí là 1.

Nếu đi phượt theo đoàn, mỗi xe cách nhau tối thiểu 10 m, nếu không sẽ đâm xe liên hoàn khi xe đầu bị đổ, nhất là khi xuống dốc. Để tránh thủng săm do cán phải đinh, các xế không nên cho xe chạy sát lề bên phải đường mà nên chạy ở khoảng 2/3 đường. Vì đinh trên đường thường bị các xe ô tô đánh bật sang lề đường.
Khi lên dốc, nếu vít ga không thấy gì là do máy quá nóng. Phải dừng lại, nghỉ 15 phút chờ máy nguội. Tuyệt đối không phun nước vào máy vì sẽ gây nứt. Khi xuống dốc, bạn đừng cắt côn hoặc tắt máy để xe trôi tự do, rất nguy hiểm. Nếu cảm thấy xe trôi dốc quá nhanh cầm bóp kết hợp hai phanh đồng thời về số 3 hoặc 2 để hãm bớt.
Lưu ý tốc độ di chuyển ở đường bùn lầy, sỏi đá, nước chảy ngang đường
Đi với tốc độ chậm dưới 20km/ h
Đi với tốc độ chậm dưới 20km/ h thôi nếu gặp đường quá xấu. Tránh đi các loại xe có gầm thấp hoặc có chắn bùn sát bánh xe. Hãy sử dụng số thích hợp: 3, 2, 1. Quan sát đường chọn vị trí thuận lợi nhất băng qua, có thể nhìn theo xe trước để biết. Nhớ kiểm tra và chỉnh lại các túi đồ tạo cảm giác thăng bằng nhất cho xe nữa nhé.
Giữ chắc tay lái và ga đều tay, không vượt xe nhau

Khi vượt qua bùn lầy giữ chắc tay lái và ga đều tay. Nếu đoạn nào khó đi quá thì báo cho “ôm” xuống xe đi bộ qua còn xế điều khiển xe từ từ vượt. Nên đi thành từng lượt, không nên vượt xe nhau ở đoạn đường này. Không được vượt khi trước mặt là khúc cua khuất tầm nhìn, vì mình không biết đằng trước có xe ngược chiều gì. Nếu cố vượt thì xác suất gặp tai nạn là cực kỳ cao.
Nhớ chỉ được vượt bên trái, bật xi nhan trái, nhá còi liên tục và di chuyển vào vùng gương chiếu hậu trái của ô tô. Chờ đến khi ô tô có dấu hiệu nhường đường mới được vượt. Không thì tiếp tục chờ cho đến khi nó nhường đường. Cần đặc biệt kiên nhẫn và cẩn thận khi vượt xe siêu trường, xe container. Những loại xe này thân rất dài, khó vượt, hút gió mạnh, dễ bị đuôi xe quệt vào. Do vậy chỉ vượt khi đường đủ rộng và xe ô tô đã chắc chắn tỏ dấu hiệu nhường đường. Nếu loại xe này phóng nhanh thì chấp nhận đi đằng sau.
Nếu xe ngược chiều phóng nhanh tiến gần và lấn hết làn đường thì các xế phải tấp ngay vào sát lề bên phải. Thậm chí nếu cần có khi phải phi tạm xuống mương, ruộng để tránh. Nhiều “xe điên” đi lấn hết đường và không thèm tránh ai cả, chúng ta cứ cẩn tắc vô áy náy, bảo toàn mạng sống nha các bạn.
Khi gặp trời mưa
Mưa núi thường kèm theo cả sương mù, gây giảm tầm nhìn, đường trơn khi xuống dốc. Mỗi người nên tự trang bị một chiếc áo dầy đi mưa và một áo mưa mỏng để bọc hành lý. Nếu không mua ủng đi mưa, bạn có thể lấy túi bóng để buộc giầy. Nó vừa tránh ướt vừa tránh lạnh. Các lại găng tay không thấm nước cũng nên mang theo để xế không bị cóng mà chắc tay lái.

Bật đèn xe dù trời còn sáng để xe đi ngược chiều tránh và các xe trong đoàn nhận ra nhau. Không uống bia rượu trong các chặng nghỉ trên đường đi dù là để ấm người. Nếu dừng chân ở quán nước, xin cốc nước ấm pha với trà gừng mang theo là tuyệt vời ông mặt trời nhất.
Không xuống dốc nhanh hơn khi lên dốc
Không chạy quá nhanh xuống dốc để phải sử dụng phanh hãm liên tục. Để làm được điều này, lưu ý nguyên tắc lên số nào xuống số đó. Đối với số sàn, có thể là số 2, số 3 tùy thuộc vào độ dài và dốc của đèo. Với xe số tự động, trả về chế độ S, L hoặc D1, D2, D3 hay chế độ bán tự động “+, -“.
Kỹ thuật phanh mà các chuyên gia khuyên dùng là kiểu phanh giữ tốc snubbing. Khi bắt đầu đổ đèo, thiết lập tốc độ và cấp số phù hợp với độ dài và độ dốc của đèo. Ví dụ tốc độ 40 km/h ở số 3. Bắt đầu thả dốc, không dùng chân ga và chân côn, chỉ dùng chân phanh. Khi xe trôi xuống dốc máy sẽ kêu to hơn và trôi nhanh dần, lúc này nhấp giữ phanh khoảng 3 giây để về lại tốc độ cần thiết rồi thả ra để xe tự trôi, tiếp tục như thế cho những đoạn đường còn lại. Nhất thiết không được sử dụng kiểu rà phanh liên tục (trail-braking) khi đổ đèo.