Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, chính vì thế nên những món ăn đặc trưng của hầu hết các nơi đều gắn liền với lúa gạo. Và có một món ăn, có lẽ nó đã gắn bó với biết bao thế hệ lớn bé của người miền Nam rồi, thế nhưng đến bây giờ, nó vẫn chưa hết thân thuộc, đó chính là cơm tấm. Cơm tấm trước đây vốn là món ăn đường phố, bình dân. Thế nhưng qua bao nhiêu năm gắn bó với cuộc sống người dân, đến nay nó đã xuất hiện trong những quán ăn có tên tuổi, và trở thành món ăn đặc sản của miền Nam Việt Nam. Khi nhắc đến cơm tấm, có lẽ địa danh mà món ăn này gắn liền không thể nào không nói đến đó chính là Long Xuyên.
Sài Gòn cũng nói tiếng với cơm tấm, thế nhưng cơm tấm Sài Gòn khác hẳn với cơm tấm Long Xuyên. Cơm tấm Long Xuyên sử dụng thịt, trứng kho và hạt cơm nhuyễn. Sự khác biệt này đã tạo nên nét đặc trưng có một không hai của món cơm tấm nơi này.
Món ăn bình dân nức tiếng của Long Xuyên
Ai đến Long Xuyên ăn cơm tấm đều ngạc nhiên; bởi có rất nhiều điểm khác biệt so với “phiên bản gốc” của Sài Gòn. Bên cạnh phở hay bánh mì, cơm tấm chính là một trong những đặc sản Việt Nam để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng du khách quốc tế. Sở dĩ gọi cơm tấm là vì nó được nấu từ gạo tấm. Tức là hạt gạo bị bể sau khi sàng. Đĩa cơm tấm nóng hổi và thơm ngon nhất phải được ăn kèm với sườn nướng, bì, chả, trứng ốp la, đồ chua. Đặc biệt không thể thiếu chính là nước mắm pha chua ngọt cùng mỡ hành thơm lừng.
Từ một món ăn sáng đơn giản, cơm tấm dần trở thành món ngon không thể thiếu trong đời sống ẩm thực của người dân Nam Bộ nói chung. Dần dà còn xuất hiện khắp 3 miền. Thậm chí “lấn sân” sang cả nước ngoài. Mỗi nơi đều có cách biến tấu cho khác đi một tí.
Nếu có dịp đặt chân đến thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang); bạn chắc chắn phải một lần ăn thử món cơm tấm ở đây. Cùng tên gọi như đặc sản nổi tiếng của Sài Gòn, thế nhưng cách chế biến, trình bày và hương vị của cơm tấm Long Xuyên lại có phần khác biệt hơn hẳn.
Sự đặc biệt của cơm tấm Long Xuyên
Đầu tiên, nếu như đa phần hạt gạo trong cơm tấm ở Sài Gòn; hay nhiều tỉnh thành khác đều là loại hạt to; thì ở Long Xuyên người dân lại thích dùng gạo hạt nhuyễn hơn. Lúc nấu lên, hạt cơm chỉ to bằng một nửa của cơm tấm Sài Gòn. Khi ăn, bạn dễ dàng cảm nhận hương vị thơm, bùi bùi. Còn có vị ngọt nhẹ của gạo quê và dường như tan ra trong đầu lưỡi khi nếm thử.
Không chỉ hạt cơm bé tí, nhiều thành phần khác trong đĩa cơm tấm Long Xuyên đều được cắt nhỏ ra khi thưởng thức. Thay vì để nguyên miếng sườn nướng “siêu to khổng lồ” như trong Sài Gòn; người ta thường thái thịt thật mỏng để dễ cho vào miệng hơn. Ngoài ra, các nguyên liệu khác như bì và trứng kho cũng được cắt nhỏ. Một đĩa hoàn thiện còn có thêm mỡ hành, dưa chua ăn kèm cùng nước mắm.
Ai ăn cơm tấm Long Xuyên rồi đều có nhận xét nó… đỡ ngán hơn phiên bản gốc rất nhiều vì mọi thứ đều “vừa miệng”. Điều thú vị là hầu như du khách chỉ có thể thưởng thức món ngon đặc sản này ngay tại Long Xuyên; An Giang chứ ít khi tìm thấy ở các vùng khác. Nếu có dịp đến đây du lịch, bạn nhất định không thể bỏ qua một số quán nổi tiếng. Như: cơm tấm Cây Điệp, cơm tấm Cô Tư, cơm tấm Tùng, cơm tấm Tám Diệu, quán Cô Tấm.