Nếu bạn hay tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Chăm tại nước ta, hẳn nhiên đều biết rằng dân tộc Chăm vô cùng nổi tiếng với lễ hội dân gian Katê. Lễ hội này được đồng bào Chăm tổ chức vào khoảng tháng 10 dương lịch. Thời gian diễn ra lễ hội khoảng chừng 1 tháng. Thế nhưng nếu bạn là một du khách phương xa, chắc hẳn chưa biết được ngày lễ này xuất hiện từ khi nào và có những nét đặc sắc gì thu hút? Tuy nhiên bạn chớ quá lo lắng, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn thông qua bài viết sau đây nhé.
Điểm qua nét độc đáo của văn hóa Chăm
Ninh Thuận là tỉnh có đông người Chăm sinh sống nhất trong cả nước. Vì vậy, văn hóa Chăm ở đây khá đậm chất được thể hiện qua chữ viết, trang phục, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, nghề gốm, dệt thổ cẩm.
Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự ấn tượng cho văn hóa dân tộc Chăm đó chính là các công trình kiến trúc, di tích lịch sử đồ sộ và độc đáo. Điển hình như Thánh địa Mỹ Sơn. Ngoài ra còn có những di tích của người Chăm như Tháp Bạc, Tháp Dương Long của Bình Định, ngọn tháp Po Nagar nổi tiếng của Khánh Hòa, Tháp Nhạn – Phú Yên, Tháp Po Dam – Bình Thuận.
Trang phục cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự đặc sắc và mới lạ trong văn hóa dân tộc Chăm. Trang phục cổ truyền của nam là áo có cách xếp chéo và cài dây phía bên hông (thắt lưng). Áo thường có màu trắng, bên trong là quần soọc, ngoài là quần váy xếp.
Còn trang phục của phụ nữ thì sẽ là áo cổ tròn cài nút phía trước ngực xuống đến bụng; quần váy xếp khi làm lễ hoặc váy ống trong trang phục thường ngày. Người phụ nữ Chăm thường đội khăn phủ trên mái tóc hoặc quấn gọn trên đầu. Họ luôn quấn theo lối chữ nhân.
Thông tin thú vị về lễ hội dân gian Katê của người Chăm
Nguồn gốc xuất hiện
Katê là một trong những lễ hội quan trọng; mang đậm tính dân gian lớn nhất của người Chăm hiện nay. Có thể xa xưa, Lễ hội Katê chung cho người Chăm cả hai cộng đồng tôn giáo. Sau thế kỷ XIII, một bộ phận người Chăm tiếp nhận Hồi giáo (sau này thành đạo Bàni). Vậy nên họ tổ chức Lễ hội Ramưwan theo quy định của tôn giáo. Quá trình bản địa hóa các yếu tố văn hóa tôn giáo, hình thành nên hệ thống lễ hội, trong đó có Lễ hội Katê mang đậm tính dân gian.
Katê là lễ cúng để tưởng nhớ thần Cha (Ngap padhi phuel bilan Katê sak ka yang po yang Amâ). Còn Cambun là Lễ cúng tưởng nhớ thần Mẹ. Thần Cha thuộc “dương” còn thần Mẹ thuộc “âm”. Vậy nên Katê được tổ chức vào thượng tuần trăng (1 tháng 7 lịch Chăm). Cambun được tổ chức vào hạ tuần trăng (15 tháng 9 lịch Chăm), đều được tổ chức ở đền/tháp.
Ngày nay, Katê đã trở thành một lễ hội mang đầy đủ tính chất “lễ” và “hội”. Katê không chỉ là một nghi lễ hay lễ hội mà nó đã thực sự trở thành ngày Tết đối với đồng bào Chăm nói chung và người Chăm nói riêng
Lễ hội Katê diễn ra trong thời gian dài và có nhiều hoạt động đặc sắc
Lễ hội Katê được diễn ra trong một không gian rộng lớn và thời gian kéo dài. Ngày mồng 1 tháng 7 lịch Chăm được gọi là ngày lễ chính tại đền/tháp. Còn Lễ hội Katê kéo dài cả tháng, nên mới có câu “bilan Katê” (tháng Katê). Đến với Lễ hội Katê du khách sẽ được hòa vào đoàn người rước Y trang (của Thần Mẹ xứ sở Pô Inư Nư gar, Vua Pô Klông Garai, Vua Pô Rômê) do người Raglai gìn giữ. Các lễ chính trong ngày lên tháp (1/7 lịch Chăm) gồm có: Lễ rước y trang lên tháp, lễ mở cửa tháp, lễ mộc dục (tắm tượng và mặc y phục) và cuối cùng là đại lễ (lễ chính). Sau Katê đền/tháp là Katê làng.
Các làng chọn ra các ngày thứ tư hoặc thứ bảy trong tuần để tổ chức đồng thời thông báo cho cả làng biết và mang bánh trái đến cúng tại nhà làng. Katê làng nhằm để cúng thần làng và tưởng nhớ những người có công đối với làng. Sau Katê làng là đến Katê gia đình, dòng tộc. Trước tiên nó được tổ chức trong gia đình nhà Cả sư Po Adhia sau đó mới đến các gia đình dòng tộc khác.
Nền văn hóa Chăm đặc sắc, đa dạng vẫn đang hiện hữu trong đời sống của người Chăm Ninh Thuận. Các làng nghề truyền thống còn lưu giữ được bản sắc văn hóa mà chỉ tận mắt du khách mới cảm nhận hết được giá trị của nó.