Đối với những cư dân sống ở vùng biển Nam Bộ và Trung Bộ thì họ luôn xem Lễ hội cầu ngư là một phần không thể thiếu. Lễ hội này được coi là nét văn hóa đặc trưng của vùng biển, có sự gắn bó mật thiết với tập tục tín ngưỡng thờ cá Ông. Nếu bạn có dịp ghé thăm một số vùng đất biển vào dịp diễn ra lễ hội cầu ngư, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy thú vị trước những nghi thức diễn ra tại đây. Ngay sau đây, chúng ta hãy cùng điểm qua một số thông tin nổi bật về lễ hội cầu ngư này nhé.
Ý nghĩa của lễ hội cầu ngư
Lễ hội cầu ngư còn có các tên gọi khác là lễ Nghinh Ông, lễ tế cá Ông, lễ cúng Ông,… Ông là tên gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi. Đây là loài cá thường giúp họ vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả.
Trong dân gian, người Việt cũng như người Chăm và người Hoa đều cho rằng cá voi không phải là loài cá bình thường. Họ cho rằng đây là một loài cá thần, hay còn gọi là thần Nam Hải. Biểu hiện ở đây không phải là sức vóc to lớn và sức chịu đựng khác thường, mà là loài cá có suy nghĩ, có tình cảm. Đặc biệt chúng có sự cảm nhận và tâm linh như con người. Không phải chỉ ngày xưa mà ngay cả tới bây giờ nhiều người vẫn nghĩ thế. Do đó, việc tôn thờ và thờ phụng rất tôn nghiêm.
Thờ cúng Cá Ông là một hiện tượng văn hóa dân gian tiêu biểu của ngư dân ven biển, đặc biệt là ven biển Nam Trung Bộ. Lễ hội Nghinh Ông là lễ quan trọng nhất của ngư dân làng chài. Ý nghĩa lớn nhất của lễ hội Nghinh Ông chính là cầu cho sóng yên, biển lặng, gió hòa. Cầu cho ngư dân gặp may mắn làm ăn phát đạt, an khang, thủy hải sản đủ đầy. Thờ Cá Ông ở đây không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng. Hàng năm, thường là sau khi ăn Tết xong, ngư dân sẽ tổ chức lễ tế Cá Ông. Họ lồng ghép dưới hình thức Lễ hội Cầu Ngư và lễ ra quân đánh bắt vụ cá nam.
Thời gian diễn ra lễ hội
Lễ hội được diễn ra sau tết. Chúng thường tổ chức trong hai ngày. Ngày đầu thiết lễ tiên thường, ngày sau là lễ tế chính thức. Trong ngày lễ, bàn thờ được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm. Các nhà đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đều chăng đèn kết hoa. Làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức; có uy tín với vạn chài và không bị mắc tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền, bè đi khơi về lộng an toàn.
Sang rạng sáng ngày hôm sau, dân làng đánh trống làm lễ rước trên biển. Có nơi còn tổ chức lễ rước Ông từ làng này qua làng khác để bày tỏ sự đoàn kết giữa các làng vạn chài. Tất cả tàu thuyền ra khơi đến một vị trí đã định trước và vị chánh tế tổ chức “xin keo”. Đó là lễ Cá Ông chứng giám lòng thành của ngư dân ngoài biển. Nửa đêm hôm đó, dân làng làm lễ chánh tế bao gồm lễ khai mõ, đội học trò dâng hương.
Trong lễ hội cầu ngư có nhiều chương trình đặc sắc diễn ra
Phần hội của lễ Nghinh Ông diễn ra khá đặc sắc. Tùy điều kiện của mỗi địa phương mà tổ chức phần hội sẽ khác nhau. Thế nhưng hầu hết họ sẽ tổ chức các trò chơi dân gian vùng biển. Ví dụ như lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co…. Về văn nghệ thì có hát tuồng, hát hò khoan, đặc biệt là múa hát bả trạo. Đây là hình thức múa diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền. Tất cả vượt qua sóng gió để mang về vụ mùa bội thu cho ngư dân.
Sau lễ hội cầu Ngư; những lão Ngư cùng những ngư dân trẻ mang theo câu hò bả trạo ra khơi. Biển trong giấc mơ của sóng có những lời nguyện cầu bình yên, được mùa tôm cá. Biển với những làng nghề cá không chỉ là nơi trú ngụ, chở che cho những cư dân quen ăn sóng nói gió mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá độc đáo của cư dân miền biển.
Lễ hội cầu Ngư là nghi lễ không thể thiếu của cư dân dọc vùng ven biển trước những vụ ra khơi. Lễ hội truyền thống hằng năm luôn được duy trì từ đời này sang đời khác. Lễ hội là dịp để người dân sống trong bầu không khí của giá trị văn hóa miền biển có từ lâu đời.
Trên đây là những thông tin được chúng tôi tổng hợp lại. Hi vọng bạn đọc đã có những kiến thức thú vị về lễ hội tốt đẹp này của ngư dân nhé.