Đồng bào dân tộc Ê Đê ở khu vực Tây Nguyên nói chung luôn có một đời sống tinh thần cũng như vật chất vô cùng đặc sắc. Những di sản của người Ê Đê xưa để lại vẫn còn được duy trì, phát huy cho đến các thế hệ mai sau. Nói rộng hơn thì chính những giá trị văn hóa của tộc người Ê Đê đã góp phần không nhỏ tạo nên nét văn hóa của cả vùng Tây Nguyên. Ngay sau đây, chúng ta hãy cùng điểm tên những những di sản văn hóa cần được bảo tồn của người Ê Đê Tây Nguyên nhé.
Văn hóa sử thi của người Ê Đê
Sử thi Ê đê còn được gọi là Khan. Nó ra đời trong điều kiện xã hội loài người có những biến động lớn về những cuộc di cư lịch sử. Sử thi của người Ê đê có sự khác biệt nhất định về nội dung. Thế nhưng nhìn chung, các tác phẩm sử thi đều phản ánh quan niệm về vũ trụ với thế giới thần linh có ba tầng rõ rệt: tầng trời, tầng mặt đất và tầng dưới mặt đất – thế giới mà con người và thần linh gần gũi với nhau. Chúng phản ánh xã hội cổ đại của người Ê đê; cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng bình đẳng, giàu có. Ca từ cũng phản ánh quyền lực gia đình mẫu hệ, đề cao vai trò của người phụ nữ trong quản lý và bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Sử thi có sức lôi cuốn, hấp dẫn người nghe đến kỳ lạ. Nó giúp họ quên đi những nhọc nhằn của cuộc sống lao động thường ngày, đồng thời tiếp thêm nghị lực để họ vững tin vào tương lai, tránh xa những điều tầm thường, vươn lên sống tốt đẹp hơn. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc, Khan (Sử thi) của người Ê đê đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.
Nhà dài của người Ê Đê
Nhà dài là một di sản không chỉ mang biểu tượng vật chất của thế chế đại gia đình mẫu hệ mà đây còn chính là nơi lưu giữ lại những giá trị văn hóa và tình thần của người dân Ê đê. Việc bảo tồn nhà dài tại những buôn làng của người dân Ê đê là một nhu cầu thiết yếu. Nó như việc làm để gìn giữ một di sản quý giá trên vùng đất Tây Nguyên.
Vùng đất bản địa của người dân Ê Đê chính là sinh sống tại Đắk Lắk, Tây Nguyên. Nơi đây có khoảng 50 ngôi nhà dài và tạo thành một buôn trải dọc theo dòng suối Ea Tam. Người Ê đê sẽ có một tập quán là sống chung 3 hoặc 4 thế hệ trong cùng một ngôi nhà dài. Họ không làm nhà mới mà nếu có thêm người thì sẽ nối phần sau nhà dài thêm. Nhà dài chính là một tên gọi phản ánh cho chế độ mẫu hệ của dân tộc này. Đồng thời nó cũng là biểu tượng cho sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên và với cộng đồng.
Nhà dài là nhà sàn được dựng lên với những cột gỗ to. Sàn nhà cách mặt đất chỉ trên 1 mét. Phía dưới đơn thuần sẽ để cho nó thoáng mát chứ không làm chỗ chăn nuôi. Ngay từ chiếc cầu thang ván để bước lên sàn nhà là chúng ta đã có thể thấy ngay tính mẫu hệ nổi lên với một đôi bầu sữa và vành trăng khuyết.
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Đắk Lắk là vùng đất của cồng chiêng Tây Nguyên. Cồng chiêng tây Nguyên đã được tổ chức UNESCO công nhận “Không gian Văn hóa Cồng chiêng là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”. Đây là một loại nhạc khí bằng hợp kim đồng. Cũng có khi nó sẽ được pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm và chiêng là loại không núm. Loại nhạc cụ này có đa dạng về kích cỡ đường kính tầm 20cm cho đến 60cm. Loại cực đại sẽ có đường kính từ 90cm cho đến 120cm.
Theo như quan niệm của dân tộc Ê đê Tây Nguyên thì đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều sẽ ẩn chứa một vị thần. Đối với những loại cồng chiêng nào càng cổ thì nó sẽ biểu hiện quyền lực của vị thần càng cao. Ngoài ra loại nhạc cụ này cũng chính là một tài sản quý giá. Nó biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có của dân tộc này.
Cồng chiêng thường được sử dụng vào những ngày hội với hình ảnh những vòng người nhảy múa bên ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần và say sưa trong tiếng cồng chiêng vang vọng cả núi rừng. Lúc này không gian Tây Nguyên sẽ trở nên vô cùng lãng mạng và huyền ảo. Chính cồng chiêng đã góp phần tạo nên những sử thi; những áng thơ ca mang đậm chất nền văn hóa của dân tộc Ê đê Tây Nguyên. Nó vừa có sự lãng mạng lại vừa mang đến vẻ hùng tráng.
Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê
Lễ trưởng thành là một trong những lễ hội của người Ê đê. Đây chính là một nghi thức bắt buộc đối với những người dân Ê đê khi đến độ tuổi trưởng thành. Lễ trưởng thành này thể hiện tính cộng đồng rất cao. Lý do bởi nó có sự tham gia góp sức của cả buôn làng. Trong nghi lễ thì già làng sẽ là người mặt cho các buôn làng; thay mặt cho các họ tộc của chàng trai tiến hành làm lễ cúng Giàng về chứng kiến. Chiếc vòng đeo tay được trao trong lễ trưởng thành sẽ là một biểu tượng của cuộc sống và biểu tượng cho sức mạnh. Để có thể trưởng thành thật sự thì người đó cần phải trải qua tổng cộng 5 lần làm nghi lễ. Môi lần sẽ có những lễ vật và nghi thức cúng khác nhau.
Lễ cúng trưởng thành của người Ê đê Tây Nguyên mang một ý nghĩa tinh thần vô cùng lớn. Nghi lễ này đã tồn tại hàng ngàn năm qua. Đây là một trong những nghi lễ tiêu biểu nhất của người Ê đê. Đây được công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này đã đem đến niềm vui cho dân tộc Ê đê nói riêng. Đây cũng chính là một niềm tự hào của các dân tộc khác ở Tây Nguyên.
Kết luận
Dân tộc Ê đê là một trong những dân tộc có rất nhiều di sản văn hóa quý giá. Những di sản quý giá của người Ê đê Tây Nguyên đã góp phần thúc đẩy công tác xã hội hóa văn hóa phát triển và khiến cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào dân tộc này càng cao. Dân tộc này còn rất nhiều di sản quý giá khác. Để có thể tìm hiểu kĩ hơn; bạn hãy đặt chân một lần đến vùng đất này nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm bài viết của chúng tôi.