Yêu Việt Nam, du lịch qua mọi vẻ đẹp của mọi danh lam thắng cảnh, cái ngon của mỗi món ăn, đặc sản của các vùng miền khác nhau. Đến với Thủ đô Hà Nội du khách sẽ được thưởng thức món ăn đặc sản của người Hà Thành, đó chính là bún chả Hà Nội. Đi bất cứ ngõ ngách nào của Hà Nội, bạn cũng có thể tìm thấy quán bún chả với hương vị thơm của thịt nướng, cay nồm của bát nước chấm. Nếm thử hương vị của bát bún chả bạn sẽ cảm nhận được điều đó, cũng chính điều này đã làm cho bún chả trở thành món ăn trường tồn theo thời gian.
Đặc sản bún chả Hà Nội
Tự hào là người Việt Nam, được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thân yêu, tươi đẹp này. Mình cũng sinh ra ở Hà Nội, nhưng không phải là thành phố mà ở một vùng quê yên bình ngoại thành Hà Nội, mãi năm 2014 mình mới bắt đầu ra Thành phố để học tập. Xác định sẽ ở lại Hà Nội lập nghiệp và định cư luôn, yêu nơi đây như quê hương thứ 2 của mình.
Ở Hà Nội thì không chỉ có Bún chả đâu mà có rất nhiều món ăn đặc sản khác nữa. Bún chả Hà Nội thực ra không có một mốc chính xác để ghi lại lịch sử ra đời. Cũng như chưa biết món ăn này được sáng tạo bởi ai, tồn tại bao nhiêu năm tháng. “Bún chả” vang danh mọi nẻo, ai ai đến Hà Nội cũng nhắc.
Nếu là người xứ khác đến thì chắc chắn không thể không thưởng thức món ăn dân dã này. Những người đã sinh sống ở Hà Nội lâu năm, cho dù đã ăn rất nhiều lần nhưng vẫn không chán, càng ăn càng nhớ. Đặc biệt những quán truyền thống lâu đời, được nhiều người biết đến.
Cách làm món bún chả
Nói đến bún chả thì đương nhiên nguyên liệu chính phải là chả và bún. Thịt lợn chọn loại ngon, tươi. Chả miếng dùng loại ba chỉ liền thớ không long; chả viên là nạc vai đầu giòn băm hoặc xay không quá nhỏ.
Từng loại để riêng nhưng tẩm ướp gia vị giống nhau: dầu hào, nước mắm, hành; chút xíu đường, bột ngọt và tiêu xay, chút xíu dầu ăn tránh cho thịt bị khô. Chú ý khi ướp thịt không nên ướp vừa miệng mà nên nhạt hơn. Vì khi ăn còn phải dùng nước chấm. Bún chọn loại bún chuẩn làng Phú Đô, sợi nhỏ; mềm mướt, thoáng mùi chua nhè nhẹ.
Nước chấm bún chả thực sự là linh hồn của món ăn này. Cách pha khá giống nước chấm nem: cũng nước đun sôi để nguội, nước mắm, đường nhưng khác ở chỗ hỗn hợp đó đem đun trên bếp lửa thật nhỏ cho đến khi hơi sôi lăn tăn thì tắt bếp. Đợi cho nguội bớt còn khoảng 70% nhiệt độ ban đầu thì trút tỏi ớt băm nhỏ, vắt chanh, thêm dấm và bột ngọt.
Một thứ nữa ăn kèm bún chả không thể thiếu đó là dưa góp và rau sống. Không bàn đến rau, chỉ riêng món dưa góp nhìn thôi cũng đủ khiến người ta ứa nước miếng. Cà rốt, đu đủ (hoặc su hào) thái mỏng tỉa hoa trộn cùng đường, chanh, tỏi ớt. Chỉ một xíu nước mắm cho sau cùng vì độ mặn nhiều sẽ làm củ, quả nhanh bị mềm, không giòn.
Món ăn bình dị mang đậm nét văn hoá ẩm thực Hà Thành
Khi ăn, múc nước chấm ra bát, thả vài miếng chả đã nướng than hoa thơm lừng, thả dưa góp; nhúng bún cùng rau sống và thưởng thức. Ngọt ngon đủ vị của cuộc sống hoà trộn vào nhau hấp dẫn vô cùng.
Cảm nhận của du khách đến với Hà Nội rất ấn tượng và thích nhất là món bún chả. Họ không lý giải được vì sao chị thích, có lẽ vì nó có hương vị rất đặc biệt chăng?
Bún chả có thể ăn thay bữa chính mà không sợ bị “chóng đói”. Vì nó là món bắt buộc phải bày đầy đặn, không thể “làm hàng” như những món phở hay bún nước. Bởi thế, nó rất được lòng những thực khách bình dân hay những người phải lao động chân tay cả một ngày dài.
Tuy bình dị như thế nhưng bún chả cũng làm nên một nét ẩm thực riêng của Hà Nội mà không ở nơi nào có. Và nếu muốn đặt nó ở một đẳng cấp cao hơn. Chỉ cần thay đổi cách bày biện, trang trí thôi. Thì món bún chả Hà Nội sẽ trở thành một bức tranh nghệ thuật với lung linh những sắc màu.