Nếu bạn đã ngán ngẩm với các loại trân châu truyền thống như trân châu đen, trân châu trắng thì bạn nên đổi khẩu vị với trân châu trái cây chúng tôi giới thiệu ngay sau đây. Ưu điểm của loại trân châu này là không đơn thuần chỉ có vị ngọt và dai, mà nó còn có cả mùi thơm của các loại trái cây trong đó, nó sẽ tạo nên một sự kết hợp tuyệt vời. Bên cạnh đó, bạn còn có thể bổ sung thêm các loại vitamin có trong trái cây. Bạn có thể dùng kết hợp trân châu trái cây tự làm với các loại trà sữa hay trà trái cây đều được. Chúng tôi sẽ chia sẻ công thức làm trân châu trái cây vô cùng đơn giản trong bài viết này.
Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm trân châu trái cây
- Lê 1 quả
- Kiwi 1 quả
- Thanh long ruột đỏ 1/2 quả
- Dưa hấu ruột vàng 1/4 quả
- Bột sắn dây 400 gr
- Đường nâu 4 muỗng canh (hoặc đường trắng)
Mẹo chọn mua nguyên liệu: Bạn có thể thay thế bằng nhiều loại trái cây khác nhau như xoài, dứa, dâu,… để đa dạng mùi vị hạt trân châu.
Các bước thực hiện để làm trân châu trái cây vừa dai vừa thơm
Tiến hành xay nhuyễn trái cây
Đầu tiên, bạn sửa sách các loại hoa quả đã mua. Sau đó gọt vỏ các loại trái cây. Tiếp theo cho từng phần thịt quả vào máy xay sinh tố rồi xay đến khi nhuyễn mịn. Sau đó, lọc phần nước cốt lê và dưa hấu qua rây lại cho mịn mượt. Đối với phần thanh long và kiwi bạn không cần lọc qya rây nhé! Cuối cùng, cân từng phần nước trái cây để lấy đúng định lượng 80gr.
Mách nhỏ: Bạn có thể cho thêm 1 ít nước để xay trái cây dễ dàng và mịn hơn nhé!
Trộn bột và tạo hình trân châu
– Trộn bột: Đầu tiên, chia 400gr bột sắn cho từng phần nước cốt trái cây, mỗi phần 100gr. Sau đó, tiến hành công đoạn trộn bột. Bắc nồi lên bếp, cho vào phần nước cốt thanh long rồi đun sôi trên lửa nhỏ. Khi hỗn hợp sôi, bạn cho vào 20gr bột sắn dây, trộn đều khoảng 10 giây cho hòa quyện rồi tắt bếp. Sau đó, cho phần bột thanh long vừa nấu vào tô chứa 80gr bột sắn dây còn lại. Dùng tay nhào đến khi bột tạo thành khối dẻo mịn, không dính tay là đạt. Làm tương tự các bước trên với các phần bột trân châu còn lại.
Mách nhỏ: Nếu bạn muốn hạt trân châu vừa dai vừa mềm thì có thể sử dụng 1/3 Bột gạo và 2/3 bột sắn dây.
– Tạo hình hạt trân châu: Chia bột trân châu thành nhiều phần nhỏ bằng nhau rồi vo tròn. Sau đó, bạn áo viên trân châu qua 1 lớp bột sắn khô để chống dính.
Công đoạn luộc trân châu trái cây
Bắc một nồi nước lên bếp, vặn lửa to để nhanh sôi hơn. Khi nước sôi, bạn cho trân châu vào luộc chín khoảng 15 phút đến khi trân châu chuyển màu trong. Trân châu nổi lên mặt nước là chín. Tiếp theo, vớt trân châu ra tô lớn rồi trộn đều với khoảng 4 – 5 muỗng canh đường nâu là hoàn tất. Mách nhỏ: Bạn có thể điều chỉnh lượng đường tùy theo sở thích ăn ngọt của mình nhé!
Thành phẩm là những viên trân châu dẻo dai đầy màu sắc
Trân châu trái cây bắt mắt với nhiều màu sắc khác nhau, ăn vào thì dẻo dai, mềm mịn hòa quyện cùng vị ngọt thanh của đường và mùi thơm đặc trưng của từng loại trái cây. Bạn có thể dùng trân châu cùng với trà sữa, sữa chua hoặc chè để tăng thêm hương vị cho món ăn nhé! Chắc chắn bạn sẽ không thể cưỡng lại vị ngon của nó.
Mẹo nhỏ để bảo quản trân châu lâu nhưng không bị cứng
Sau khi luộc chín, bạn vớt trân châu ra, ngâm vào nước lạnh hoặc xả dưới vòi nước để trân châu không bị dính. Tiếp theo, trộn trân châu với đường nâu rồi mang ủ nóng ở nồi cơm điện (chế độ hâm nóng). Cách này sẽ giúp trân châu mềm và không bị cứng trong suốt 1 ngày.
Để bảo quản trân châu lâu hơn, bạn cho trân châu vào hộp đậy nắp kín rồi cho vào ngăn mát của tủ lạnh. Với phương pháp này, trân châu có thể bảo quản được từ 3 – 4 ngày mà không sợ hư hỏng. Khi muốn đưa ra sử dụng, bạn chỉ cần luộc sơ lại trân châu.
Nếu bạn muốn trữ đông trân châu thì nên trữ đông sau khi trân châu được nặn xong. Bạn sử dụng hộp kín rồi cho trân chau vào, sau đó đặt lên ngăn đá. Thời gian bảo quản sẽ được khoảng 2 – 3 tháng. Khi ăn chỉ cần lấy ra rã đông. Sau đó đun sôi nước rồi thả trân châu trực tiếp từ ngăn đá vào nồi để luộc thôi. Tuy nhiên nếu muốn hạt trân châu ngon bạn nên làm và ăn liền nhé. Chúc bạn thành công với cách làm trân châu trái cây mà chúng tôi đã chia sẻ nhé!