Bánh mì là món ăn đường phố được thế giới mệnh danh và trở thành niềm tự hào của ẩm thực Việt Nam. Vào ngày 24/3/2011, tên bánh mì đã được đưa vào Từ điển tiếng Anh Oxford. Từ “Bánh mì” dùng để chỉ bánh mì kẹp thịt của người Việt Nam. Truyền thông quốc tế công nhận bánh mì kẹp Việt Nam là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Bánh mì chính là món ăn sáng yêu thích của nhiều người dân Việt Nam cũng như du khách đến tham quan và thưởng thức ẩm thực của Việt Nam.
Nguồn gốc của bánh mì Việt
Bánh mì du nhập vào Việt Nam từ những năm 1859 khi người Pháp thực hiện các cuộc viễn chinh tại Gia Định. Đây chính là lý do tại sao chúng ta vẫn thường nghe tiếng rao quen thuộc “Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ…”.
Xuất hiện như món bánh ăn chơi, không thể so sánh với cơm tẻ. Nhưng dần dần nhu cầu ăn bánh mì của người ngày càng tăng lên. Đây cũng là lúc những lò bánh mì ngày càng nở rộ. Từng có giai đoạn nhiều thợ làm bánh tại miền Nam thi đua nhau xem lò nướng bánh nào ngon nhất. Từ đó nghề làm bánh mì trở nên thịnh hành.

Ban đầu bánh mì đặc ruột vì nướng trong lò gạch truyền thống của Pháp. Hương vị bên trong khá giống với bánh mì baguette của Pháp. Tuy nhiên, sang những năm đầu 70, các xưởng sản xuất bánh mì dần thay thế lò gạch bằng lò điện của Nhật giúp các thợ bánh gia tăng hiệu suất.
Chiếc lò nướng của Nhật với hơi nước bên trong được giữ lại với nhiệt độ cao. Những chiếc bánh mì trở nên giòn rụm, rỗng ruột và xốp hơn, khác biệt hẳn so với bánh mì baguette. Đây chính là điểm tạo nên bánh mì Việt Nam mà không nơi nào có.
Trải qua thời gian, bánh mì từ Sài Gòn đi khắp các vùng miền dọc đất nước Việt Nam. Ở mỗi nơi, món ăn này lại có những nét đặc sắc, hương vị khác nhau. Hơn thế nữa, những người Việt lập nghiệp ở nước ngoài cũng đem hương vị bánh mì đến với bạn bè quốc tế.
Các loại bánh mì
Bánh mì kẹp nhân
Người ta thường sử dụng bánh mì rỗng ruột cho các món bánh mì kẹp nhân. Để kẹp nhân vào giữa, họ thường xẻ dọc ổ bánh;lần lượt thêm vào các loại nhân theo sở thích. Vì vậy, mỗi phần nhân khi kết hợp cùng bánh mì lại trở thành những loại bánh mì với tên gọi khác nhau như: Bánh mì kẹp thịt, bánh mì xíu mại, bánh mì kẹp phô mai, bánh mì cá hộp, bánh mì thịt nguội, ….

Bánh mì “chấm”
Bánh mì đặc ruột thường được dùng kèm với các món có nước sốt. Bởi phần ruột mềm phía trong ổ bánh sẽ thấm phần nước sốt đậm đà. Nhờ đó món ăn sẽ hòa quyện và đặc biệt hơn.
Người ta thường cắt xéo ổ bánh để có được những lát bánh nhỏ. Để thuận tiện hơn khi thưởng thức các món như: bánh mì chấm sữa; bánh mì cà ri, bánh mì bò kho, bánh mì phá lấu,…
Chẳng ai ngờ được rằng, sau khi theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam. Những ổ bánh mì nhỏ nhắn kia lại nghiễm nhiên tồn tại từ ngày này qua tháng khác; ngót nghét cả trăm năm, được mọi người đón nhận và chứng kiến bao thay đổi của nước nhà. Để rồi giờ đây, trên mọi nẻo đường gần xa trải dài khắp cả nước, nơi đâu cũng có sự hiện diện của những tiệm bánh quy mô hay xe bánh mì nhỏ lẻ.
Có thể nói, bánh mì Việt Nam chính là niềm tự hào rất riêng của người con đất Việt. Bởi đây là một món ăn đường phố với cách thưởng thức nhanh – gọn – lẹ, nhưng lại được bạn bè quốc tế đánh giá cao không chỉ bởi bề ngoài hấp dẫn, mà còn mang đầy đủ giá trị dinh dưỡng cần thiết.